Tầm soát và điều trị võng mạc trẻ sinh non.

Tầm soát và điều trị võng mạc trẻ sinh non.

Tầm soát và điều trị võng mạc trẻ sinh non.

Tầm soát và điều trị võng mạc trẻ sinh non.
Là một trong những nguyên nhân gây mù, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là nỗi lo khi trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đứa trẻ sẽ thoát khỏi nguy cơ mù vĩnh viễn.
Chăm sóc trẻ sinh non   Nguồn TTO
Chăm sóc trẻ sinh non Nguồn TTO
Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Huỳnh Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên, về tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

* Tình trạng trẻ sinh non bị bệnh võng mạc có phổ biến không, thưa bác sĩ?

 

- Từ thực tiễn công việc, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thấp, khoảng 10%. Trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh dưới 2kg, thời gian sinh non dưới 30 tuần thường bị bệnh võng mạc, ở cả hai mắt. Năm 2013, trong số 50 trẻ sinh non được tầm soát ở Phú Yên, chúng tôi phát hiện 5 cháu bị bệnh võng mạc; năm 2014, con số cũng tương tự.

 

Năm 2016, trong số 47 trẻ sinh non được tầm soát, chúng tôi phát hiện 5 cháu bị bệnh võng mạc. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi khám mắt 18 trẻ sinh non và phát hiện 1 cháu bị bệnh này. Tất cả trường hợp trẻ sinh non bị bệnh võng mạc, chúng tôi tư vấn cho gia đình và làm thủ tục chuyển viện cho các cháu vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) để theo dõi, điều trị. Sau khi chuyển viện khoảng 1-2 tuần, chúng tôi liên lạc với cha mẹ các cháu qua điện thoại, nắm bắt thông tin về việc điều trị, nếu có.

 

* Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?

 

- Mạch máu nuôi võng mạc chỉ phát triển hoàn thiện ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Ở trẻ sinh non, nhẹ cân, mạch máu võng mạc phát triển bất thường, gây tổn thương. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng bong võng mạc, đứa trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn.

 

Vùng và phân bố bệnh võng mạc - Nguồn: Internet

 

* Nghĩa là không có cách nào phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, ngoại trừ việc giảm thiểu tình trạng sinh thiếu tháng?

 

- Đúng rồi!

 

* Làm thế nào để phát hiện trẻ sinh non có vấn đề về võng mạc, thưa bác sĩ?

 

- Phải tầm soát. Thời gian qua, Bệnh viện Mắt Phú Yên đã phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tầm soát bệnh này. Sau 1 tháng kể từ khi sản phụ sinh non dưới 30 tuần, trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2kg, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên liên hệ với Bệnh viện Mắt và xếp lịch để chúng tôi tầm soát vào thứ hai trong tuần. Thời điểm tầm soát tốt nhất là khoảng 3-4 tuần sau sinh.

 

* Đáy mắt của trẻ sinh non bị bệnh võng mạc khác như thế nào với đáy mắt trẻ bình thường?

 

- Khác chứ. Ở trẻ sinh non bị bệnh võng mạc, các mạch máu nuôi võng mạc phát triển bất thường. Khi soi bằng đèn soi đáy mắt đảo ngược, chúng tôi sẽ phát hiện được những bất thường đó. Trong giai đoạn đầu của bệnh này, bác sĩ tầm soát sẽ phân biệt giữa vùng thiếu máu và vùng có máu nuôi; giai đoạn 2 thì có gờ rõ ràng và bắt đầu có mạch máu tân sinh xâm lấn. Đến giai đoạn 3, mạch máu tân sinh phát triển nhiều; giai đoạn 4 thì nó co kéo lại và bong một phần võng mạc; giai đoạn 5 là bong võng mạc hoàn toàn. Thường thì 1 tháng sau khi trẻ sinh non, những biểu hiện bệnh võng mạc trở nên rất rõ ràng.

 

* Phương pháp điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có quá phức tạp?

 

- Trẻ được điều trị bằng laser quang đông, đốt những vùng bị thiếu máu để không phát sinh tân mạch nữa. Trang thiết bị điều trị bệnh này tương đối đắt tiền.

 

* Trong trường hợp thai phụ không đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên mà sinh con tại trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở y tế tuyến huyện thì có được tầm soát?

 

- Thường thì những ca sinh non đều được chuyển lên tuyến tỉnh; trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở y tế tuyến huyện sẽ không giữ thai phụ lại để sinh, vì trẻ sinh thiếu tháng cần được chăm sóc đặc biệt sau khi chào đời. Hiện tại, để tầm soát bệnh này, Bệnh viện Mắt Phú Yên phối hợp với một đầu mối là Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Theo y văn, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là bệnh lý tăng sinh mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non. Bệnh võng mạc thường thoái triển hoặc lành bệnh, nhưng cũng có thể dẫn đến suy giảm thị lực nặng hoặc mù. Theo nghiên cứu của CRYO-ROP, trong 4.000 trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.251g, tỉ lệ mắc là:

 

- 47% ở trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1.000-1.251g.

 

- 78% ở trẻ có cân nặng lúc sinh 750-999g.

 

- 90% ở trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 750g.

 

- 6-10% trẻ mắc bệnh võng mạc sẽ suy giảm thị lực nặng hoặc mù.

 

Phương pháp điều trị bằng laser quang đông bắt đầu áp dụng rộng rãi cho bệnh võng mạc từ sau năm 1990.

Chia sẻ bài viết này